Tốc Chiến được tạo ra với nhiều điểm khác biệt so với LMHT nhằm đẩy cao nhịp độ trận đấu. Một trong những điểm khác biệt là cách lên trang bị của tướng hỗ trợ pháp sư, những quân bài vốn chỉ tập trung buff và gây hiệu ứng trên bản PC.

Cách chơi an toàn này không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả ở phiên bản di động, những Seraphine, Lux,… hoàn toàn có thể gánh team với bộ kỹ năng thiên về sát thương. Một người dùng Reddit vốn quen với cách chơi trên PC cho biết, lối trang bị AP không hề phù hợp. Anh muốn các vị tướng buff chơi đúng vai trò của mình nhằm đảm bảo lợi ích bền vững.

Ý kiến này đã nhận được rất nhiều phản hồi, chủ yếu giải thích lý do các hỗ trợ nên mua trang bị AP và lúc nào không nên.

Đúng như cái tên, Tốc Chiến có nhịp độ cao hơn hẳn, thời gian mỗi trận cũng ngắn hơn nên cố gắng đảm bảo an toàn không thực sự cần thiết. Nếu đồng đội bạn đã dư thừa sát thương, nên mua trang bị hỗ trợ để gia tăng cơ hội chiến thắng. Các hiệu ứng tiện ích như buff giáp, giữ chân, làm choáng sẽ hỗ trợ đồng minh lao vào tự tin hơn.

Nếu team đang thua, bạn nên mua trang bị gây sát thương nhằm giảm bớt áp lực trong giao tranh. Một combo của Lux có thể kéo gần hết cây máu của xạ thủ đối phương. Thời gian kẻ địch phải rút lui hoặc lên bảng cũng là lúc đồng đội bạn có khoảng trống đi farm hoặc ăn mục tiêu.



Lối trang bị sát thương cũng phát huy hiệu quả khi đường rồng của bạn đang ở thế thắng. Khả năng cấu rỉa và gây hiệu ứng lúc này sẽ mạnh hơn, ép kẻ địch rơi vào thế bị động hoàn toàn. Tất nhiên không phải mọi vị tướng hỗ trợ AP đều có thể gây nhiều sát thương. Ví dụ như Janna chỉ có một kỹ năng tấn công nhanh, còn lại là chiêu thức phòng thủ hoặc tạo hiệu ứng.

Credit: Riot Games

Còn một lý do khác khiến người chơi hỗ trợ lên trang bị AP là hệ thống đề xuất của cửa hàng. Ở các bậc rank thông thường, một số người chơi sẽ không soạn đồ mà chỉ mua trang bị theo hướng dẫn. 

Với một game nhịp độ nhanh như Tốc Chiến, sát thương đóng vai trò quan trọng hơn so với phiên bản PC. Các tướng hỗ trợ hoàn toàn có thể chơi tấn công trực diện và sớm kết thúc trận đấu thay vì lựa cách chơi an toàn.

XEM THÊM: Không phải Yasuo, Teemo mới là ‘quốc tướng’ của Tốc Chiến