Như đã đề cập vào ngày 6/4, Riot Games đã quyết định chuyển LCK sang hình thức nhượng quyền thương mại kể từ năm 2021 nhằm thúc đẩy giải đấu này phát triển.

Điều đó đồng nghĩa với việc giải hạng hai Challengers Korea và hệ thống lên – xuống hạng tại Hàn Quốc cũng sẽ bị loại bỏ sau 5 năm tồn tại.

Credit: Fomos.

Hệ thống lên xuống hạng được Riot Hàn vận hành từ 2015 với các đội tuyển đầu tiên tham gia là Incredible Miracle (nay là DragonX), Samsung Galaxy (nay là Gen.G) và Anaki (nay là Afreeca Freecs),… đều cho ra lò hàng loạt những cái tên thành công.

Tuy nhiên, sang mùa giải 2016, trình độ giữa các đội tại LCK và Challengers Korea đã bị giãn cách quá lớn khiến hệ thống lên xuống hạng không còn nhiều ý nghĩa. Các đội mới nổi thường bị nhóm trụ hạng LCK đánh bại một cách tương đối dễ dàng, kể cả khi lên hạng họ cũng trở thành “kho điểm” của các đội xếp trên và trải qua mùa giải rất chật vật.

Nhìn cái cách ESC Ever và CJ Entus năm 2016 cũng như APK Prince đang hứng chịu năm nay là đủ thấy sự chênh lệch giữa các đội LCK và đội mới lên hạng là lớn như thế nào.

APK Prince (Credit: Inven Global).

Mọi chuyện chỉ chuyển biến tích cực khi Griffin ra mắt vào năm 2018 và DAMWON Gaming cùng Team Battle Comics (nay là SANDBOX Gaming) lên hạng năm 2019, LCK mới trở nên cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, chừng đó là không đủ để duy trì sự ổn định cho giải đấu bởi nguy cơ xuống hạng luôn chực chờ các đội. Ở mùa giải năm nay, ngoài DWG còn giữ được phong độ tốt, cả SB và GRF đều đang chật vật ở nhóm cuối bảng sau những mùa giải đầu tương đối thành công.

Hệ thống lên xuống hạng tạo ra mối rủi ro trong quyết định đầu tư ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài, đặc biệt là trong bối cảnh LMHT Hàn Quốc chưa có nền tài chính hậu thuẫn đủ bền vững. Đồng ý rằng các đội tham dự đều rất dồi dào tiềm lực kinh tế nhưng nếu tiếp tục đầu tư mà không thu về lợi nhuận, giới chủ sẽ phải tính chuyện rút lui nhằm cân bằng ngân sách.



Cũng chính vì đầu tư vào LCK lắm rủi ro và lợi nhuận không cao (so với các giải đấu lớn khác), hệ thống đào tạo trẻ dễ bị xáo trộn khi mà nguồn tài chính không ổn định khiến các đội như GRF rơi vào thế lao đao vì mất thành viên.

Sau khi LCK chuyển sang hình thức nhượng quyền thương mại, mọi vấn đề kể trên sẽ được giải quyết. Các đội sẽ yên tâm thu hút vốn đầu tư và tập trung thi đấu bởi không còn lo xuống hạng. Thay thế cho Challengers Korea lúc này sẽ là giải đấu học viện (tạm gọi là LCK Academy) giúp các tuyển thủ trẻ có nhiều cơ hội thi đấu hơn.

Credit: T1 Lol.

Hệ thống giải đấu Academy dự đoán sẽ cực kỳ phát triển bởi Hàn Quốc là cái nôi sinh ra nhiều thế hệ tuyển thủ hàng đầu thế giới, đủ sức thay thế các đàn anh. Còn ở NA và EU, đáng tiếc hệ thống giải trẻ ở hai khu vực này không phát huy hết tiềm năng bởi cái bóng của thể hệ đi trước vẫn còn quá lớn.

Trước mắt, LCK mùa giải 2020 vẫn hoạt động theo hệ thống cũ trước khi áp dụng hệ thống mới vào mùa giải năm sau. Người hâm mộ rất mong chờ LCK sẽ lấy lại vị thế thống trị với nhiều gương mặt trẻ trong tương lai.

XEM THÊM: Chính thức: LCK sẽ chuyển sang hình thức nhượng quyền thương mại vào năm 2021