Sức hút của dòng phim siêu anh hùng trên thế giới hiện nay là điều không ai có thể phủ nhận. Các nhân vật như Iron Man, Captain America hay Superman được yêu thích khắp mọi nơi và thực sự trở thành một hiện tượng văn hóa. Thế nhưng, liệu có phải chỉ những siêu anh hùng, những biểu tượng của chính nghĩa, công lý và sự ngay thẳng mới được lòng khán giả?

Năm 2016, điện ảnh toàn cầu chấn động với sự xuất hiện của một nhân vật mà ngay cả những con mọt truyện tranh cũng chẳng thể khẳng định là chính hay tà. Một nhân vật được xây dựng với hình tượng bạo lực, máu me, chém giết không ghê tay nhưng mang trong mình máu hài hước đỉnh cao, “bựa” không ai bằng. Một nhân vật mà mặc dù trước khi bước lên màn ảnh lớn, hầu hết khán giả đại chúng chẳng biết anh ta là ai, nhưng giờ thì nhà nhà nhắc tới tên anh. Đó không phải ai khác ngoài Deadpool.

Với màn hóa thân trên cả tuyệt vời của diễn viên tài năng Ryan Reynolds, bộ phim Deadpool đã thu về 783 triệu đô-la trên toàn cầu (theo Box Office Mojo) cùng vô vàn lời khen ngợi của khán giả. Hình ảnh một chàng lính đánh thuê tấu hài trên mọi mặt trận, sẵn sàng làm bất cứ việc gì chỉ để hoàn thành mục tiêu đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu công chiếu. Anh ta làm việc thiện theo cách của riêng mình, chẳng quan tâm đến luật pháp hay điều tiếng. Siêu anh hùng sẽ tống kẻ xấu vào tù, còn anh ta thì chém phăng đầu hắn. Không phải một “villain” (kẻ xấu), nhưng cũng chẳng phải một “superhero” (siêu anh hùng), Deadpool chính là một “anti-hero” – “phản anh hùng” điển hình của điện ảnh đương đại.

Quay trở lại với Esports Liên Minh Huyền Thoại, nơi mà công lý, chính nghĩa thuộc về kẻ mạnh. Trong mắt người hâm mộ, những tuyển thủ như Faker đích thị là một “siêu anh hùng”, với ba cúp thế giới, tám chức vô địch quốc nội cùng nhân cách “vàng” cũng như sự khiêm tốn đáng ngưỡng mộ, cho dù người ta gán anh với cái tên “quỷ vương”. Ngược lại, “kẻ xấu” đối với cộng đồng thường là những kẻ chẳng có thành tích mà còn “gáy to”, giống như Doublelift vài năm về trước với câu nói kinh điển: “tôi là số một, còn lại chỉ toàn rác rưởi.”

Hình hượng “anh hùng” của Faker đối nghịch với “kẻ phản diện” của Doublelift

Nhưng còn “phản anh hùng” thì sao? Đây là một trường hợp hiếm gặp và khó định nghĩa cụ thể trong giới LMHT chuyên nghiệp. Chỉ đến khi nó xuất hiện, người ta mới gật gù: Ồ, ra là vậy!… G2 Esports hiện tại là một điển hình cho “mỹ từ” này.

Khác với Deadpool, G2 khởi điểm có thể tạm xem là một “kẻ xấu”. Từ tận giai đoạn mùa 2 – mùa 3, châu Âu đã là cái nôi sản sinh ra những người chơi đường giữa hàng đầu thế giới như Froggen, Alex Ich, ForellenLord… và đặc biệt là xPeke. Chẳng có ai chơi LMHT mà không biết đến pha backdoor đi vào lịch sử của chàng trai tài hoa người Tây Ban Nha tại IEM Katowice 2013. Vốn đã là nhà vô địch CKTG mùa 1, kể từ sau tình huống thi đấu xuất sắc ấy, tên tuổi của xPeke càng ngày càng được biết đến nhiều hơn, gặt hái được nhiều thành công cùng Fnatic, Origen… Anh xứng đáng là một “siêu anh hùng” đối với người hâm mộ LMHT châu Âu.

Quy luật của Esports cũng nghiệt ngã chẳng kém gì thể thao truyền thống. Dù có tài năng đến đâu, bạn sẽ chỉ được nhớ tới nếu giành chiến thắng. Khi cả thế giới gọi tên xPeke, không một ai quan tâm đối thủ của anh và Fnatic trong trận đấu định mệnh ấy là ai – SK Gaming cùng người đi đường giữa cũng thuộc top đầu tại lục địa già khi đó – ocelote.

Khác với xPeke, Froggen hay Alex Ich, ocelote dù cũng rất tài năng nhưng lại được nhớ đến nhiều hơn vì hai điều. Thứ nhất, anh giao tiếp trong game rất nhiều và rất to đến mức đôi khi giọng của anh lọt cả vào micro của bình luận viên ở các giải đấu offline. Và thứ hai, anh là một người chơi vô cùng “toxic”, có thái độ tiêu cực. ocelote từng bị phạt tới hai lần vì những hành vi không đúng mực, được mô tả bởi ban kỷ luật của Riot Games là trường hợp “tệ nhất” mà họ từng thấy. Vừa “toxic”, vừa là kẻ thua cuộc, ocelote chắc chắn là một “kẻ xấu” trong mắt cộng đồng khi ấy.

Cha đẻ của G2 – Ocelote từng là tâm điểm của mọi sự chỉ trích

Khi anh giải nghệ và thành lập nên tổ chức Gamers2 – sau này là G2 Esports, ánh mắt của cộng đồng đối với họ vẫn như vậy. Dù G2 vô địch quốc nội ngay trong mùa giải đầu tiên góp mặt tại EU LCS – mùa xuân 2016, đồng thời bảo vệ thành công danh hiệu đó trong hai năm liền, họ chẳng thể vượt qua vòng bảng CKTG và chỉ một lần duy nhất tới được chung kết MSI, năm 2017.

Thành tích quốc tế nghèo nàn cùng những phát ngôn gây sốc, tự tin thái quá từ cả tuyển thủ lẫn ông chủ đã biến họ trở thành cái gai trong mắt người hâm mộ LMHT thế giới. Hàng loạt meme chế giễu như “G2-8” (thắng 2 thua 8 ở vòng bảng MSI 2016) hay “G2 vacation” (không tập luyện mà đi du lịch trước thềm CKTG 2016 để rồi xếp chót vòng bảng, thắng 1 thua 5) trở nên nổi tiếng khắp nơi.

Clip “diss” cả giải đấu đậm chất G2

Bước sang năm 2018, mọi chuyện càng tệ hơn khi G2 không còn duy trì được vị thế độc tôn tại khu vực nữa. Họ vuột mất chức vô địch cả hai giải mùa xuân và hè vào tay kỳ phùng kịch thủ Fnatic và chỉ góp mặt tại CKTG 2018 với tư cách hạt giống số 3. Màn trình diễn thiếu thuyết phục ở vòng khởi động cùng một đội hình có phần không cân bằng càng khiến kỳ vọng đặt vào họ thấp hơn bao giờ hết.

Thế nhưng từ đây, cái tên G2 mới bắt đầu được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn. Họ rơi vào một bảng đấu không quá nặng, nhưng rất nhiều rủi ro với Flash Wolves, Afreeca Freecs và Phong Vũ Buffalo. Dù vậy, Perkz cùng đồng đội đã thi đấu cực hay, hạ gục cả hai ứng viên được đánh giá mạnh nhất bảng và chỉ chịu thua đại diện của Việt Nam ở lượt đi. Bước vào lượt về, với sự trợ giúp từ “Mr. Buffalo”, họ giành quyền tự quyết trong trận tiebreaker với Flash Wolves và đã đường hoàng vượt qua vòng bảng.

Lá thăm tứ kết đưa họ đến một ngọn núi không thể cao hơn được nữa, ứng cử viên số một cho ngôi vô địch Royal Never Give Up. Bất chấp việc Uzi cùng đồng đội gặp không ít khó khăn ở vòng bảng, chẳng mấy người có niềm tin điên rồ rằng G2 đủ sức cản được quán quân LPL mùa hè 2018. Và rồi, đoàn quân của ocelote tạo nên một trong những bất ngờ đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử các kỳ CKTG.

Kỳ tích luôn được nhớ đến lâu hơn là những thất bại đã được dự đoán từ trước. Dù nhanh chóng bị hủy diệt 0-3 bởi Invictus Gaming ở bán kết, người ta sẽ chỉ nhớ cách LeBlanc của Perkz liên tục shock sát thương hạ gục đối thủ trong nháy mắt, hay cách các thành viên G2 cắm một rừng mắt để Uzi không thể trở về với an toàn bằng Con Đường Tăm Tối. Chiến thắng 3-2 trước RNG giống như một bước đà để G2 bắt đầu năm 2019 rực rỡ với hai chức vô địch LEC và đặc biệt, lần đầu tiên mang chiếc cúp MSI về cho lục địa già.

Có rất nhiều tin đồn lan truyền trong cộng đồng về những lần “đi đêm” của G2 Esports nhằm tiếp cận trái phép các tuyển thủ giỏi thuộc biên chế đội khác, tiêu biểu nhất là cặp đôi Zven – Mithy từ Origen và gần đây là Caps từ Fnatic. Thậm chí, đã có nhiều bài báo đưa tin rằng các đội tuyển tại LEC sẽ gửi khiếu nại lên ban tổ chức về hành vi phạm luật này, nhưng đại diện của Riot Games tại châu Âu thì khẳng định họ không nhận được bất cứ đơn khiếu nại nào. Cả hai lần, tin đồn đều dấy lên rồi vụt tắt vì không đủ bằng chứng, chỉ còn là điều cộng đồng tự hiểu với nhau mà thôi.

Tuy nhiên, sự thật là dù G2 có “đi đêm” hay không, những tuyển thủ mà họ đưa về đều tỏa sáng và góp công rất lớn vào thành tích của đội, đồng thời làm suy yếu những đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Sau khi Zven – Mithy rời Origen, đội tuyển của xPeke tụt dốc không phanh, còn bản thân họ thì trở thành bộ đôi đường dưới số một phương Tây. Fnatic cũng phải trải qua một mùa xuân đầy khó khăn, trong khi Caps thăng hoa tại MSI 2019.

Tiền mùa giải 2019, G2 Esports thực hiện một cuộc cải tổ đội hình vô cùng “điên rồ”. Để dọn đường cho Caps, họ thẳng tay thay thế cặp đôi đường dưới Hjarnan – Wadid dù công lao trong chiến tích lọt vào bán kết CKTG 2018 của họ là không hề nhỏ. Perkz – biểu tượng của G2 và cũng là người đi đường giữa hàng đầu khu vực, chuyển xuống vị trí xạ thủ. Đã có rất nhiều hoài nghi về khả năng gắn kết của đội hình này, nhưng G2 biết họ có gì và cần gì. Cho dù phải “đi đêm” hay thay đổi một cách “điên rồ”, chỉ họ cần có thể giành chiến thắng là, họ sẽ tìm mọi cách để thực hiện.

Như một quy luật tất yếu, khi G2 lên ngôi tại MSI 2019, cái nhìn của cộng đồng LMHT thế giới đối với họ đã thay đổi. Không còn cái cảm giác: “Tụi này đánh kém mà gáy nhiều quá, hy vọng còn thua dài dài”. Vẫn có những meme, những câu mỉa mai giễu cợt, nhưng tính chất, mức độ của chúng đã giảm đi rất nhiều và mang sắc thái vui vẻ hơn.

Điều đáng nói ở đây là G2 vẫn vậy. Perkz từng bị chỉ trích rất nhiều khi mạnh miệng tuyên bố sẽ thắng cả 6 trận ở vòng bảng CKTG 2017 trước Samsung Galaxy và Royal Never Give Up. Năm nay, sau khi những lá thăm đưa họ tới chung bảng đấu với Griffin và Cloud9, Wunder cũng nói: “Bảng này dễ quá, chắc tôi sẽ chơi WoW Classic từ giờ tới chung kết luôn”. Vẫn là đội tuyển ấy, sự tự tin ấy, nhưng bản chất lại khác đi rất nhiều, phụ thuộc vào việc họ là người chiến thắng hay kẻ thất bại.

Tài khoản Twitter của G2 vài tháng nay được ví như một “vựa muối” của thế giới. Họ liên tục đăng tải những dòng trạng thái vui vẻ, “cà khịa” đối thủ, tự “dìm hàng” chính mình, “tấu hài” từ sếp đến nhân viên, còn cộng đồng thì thi nhau chia sẻ. Rõ ràng, khi bạn thắng thì bạn nói gì cũng đúng, cũng vui. Vốn từng phải nhận rất nhiều “gạch đá” từ cộng đồng, G2 hoàn toàn có thể chọn cách trở thành “siêu anh hùng” sau khi vô địch MSI. Nhưng nếu làm vậy, chưa chắc họ đã được yêu mến như bây giờ. G2 của hiện tại vẫn là G2 Esports ngày nào, vẫn hài hước, vui vẻ, đầy tự tin, bất chấp tất cả, nhưng không còn là một “kẻ xấu” chỉ biết đến thất bại khi bước ra biển lớn nữa. Họ là nhà đương kim vô địch MSI 2019, ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vị quán quân CKTG 2019, và còn là một “anti-hero” – “phản anh hùng” có một không hai của làng LMHT chuyên nghiệp thế giới.

Written by Tyra