2682 là số người dự đoán đúng 100% kết quả tại vòng bảng CKTG 2019 trên trang Pick’Em của Riot Games. Cùng thời điểm này năm ngoái, con số đó là 647. Chúng phản ánh một sự thật, tính cho đến giờ phút này của giải đấu, những bất ngờ xảy ra không nhiều. Dù những cái tên sáng giá như Cloud9, Royal Never Give Up hay Team Liquid có bị loại sớm thì các đối thủ xếp trên họ đều mạnh ngang ngửa, hoặc thậm chí mạnh hơn, vì vậy kết cục hiện tại thực ra vẫn nằm trong dự tính của khá nhiều người.

Mặt tích cực của giải đấu sau giai đoạn vòng bảng tương đối “dễ đoán” là việc chúng ta sẽ có một vòng tứ kết bùng nổ. Những lá thăm lần này lại vô cùng thú vị khi mang đến những cặp đấu của hai đội chưa hề chạm mặt nhau lần nào. Ngoại trừ T1 – Splyce, ba cặp còn lại đều được đánh giá rất ngang ngửa và khó để nói đội nào thực sự mạnh hơn, đồng nghĩa những trận đấu sẽ gay cấn hơn, hấp dẫn hơn và căng thẳng hơn.

Faker ngồi sẵn ở bán kết?

Có lẽ đây là cặp đấu duy nhất có khả năng xảy ra bất ngờ, thậm chí còn có thể là bất ngờ lớn nhất trong lịch sử CKTG nói riêng, và LMHT chuyên nghiệp nói chung, dù xác suất là khá thấp.

Joshua “Jatt” Leesman, bình luận viên của Riot đã nói về T1: “Một ứng cử viên vô địch sẽ không bao giờ phàn nàn khi rơi vào bảng ‘tử thần’, bởi chính họ là nguyên nhân khiến bảng đấu đó trở nên khó nhằn”. Thật vậy, vượt qua cả Royal Never Give Up và Fnatic để độc chiếm ngôi đầu bảng với chỉ một thất bại duy nhất, T1 đang bước từng bước đầy vững chắc trên con đường tìm lại ánh hào quang năm xưa. Hơn nữa, Faker cùng đồng đội cũng sẽ có cơ hội trả sòng phẳng món nợ với G2 Esports ở MSI 2019, nếu cả hai đều lọt vào bán kết.

Tuy nhiên, trước đó T1 sẽ phải vượt qua một chướng ngại vật, cũng là một đội chủ nhà khác – Splyce. Họ vượt qua vòng khởi động một cách khá chật vật, tuy nhiên lại thi đấu cực kỳ tốt ở vòng bảng, đặc biệt toàn thắng ba trận lượt về. Trên lý thuyết, họ là đội yếu nhất góp mặt ở tứ kết, nhưng chính điều đó, cộng với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhà, lại là động lực thúc đẩy Splyce chơi một trận đấu sòng phẳng, hết mình với đối thủ rất mạnh T1. Ngoài ra, thêm một yếu tố nữa có thể giúp họ tự tin hơn, cách đây hai năm cũng có một đội tuyển châu Âu bị đánh giá thấp hơn T1 rất nhiều nhưng đã kéo được họ tới ván thứ 5, thậm chí suýt chút nữa gây bất ngờ – chính là Misfits.

Ảnh: Riot Games

Với sự thông minh của Xerxe và huấn luyện viên Duke, Splyce là một trong những đội tuyển có giai đoạn cấm chọn và khởi đầu trận đấu tốt nhất vòng bảng CKTG 2019. Họ luôn có sự chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng trước những đối thủ khác nhau, đề ra kế hoạch và thực hiện một cách hiệu quả. Dù khoảng cách về kinh tế không quá đáng kể, thế trận mà Splyce tạo ra ở khoảng 15 phút đầu trận luôn rất sáng. Vấn đề lớn nhất của họ là ở 10 – 15 phút sau đó, các thành viên dường như không biết phải làm gì để lăn cầu tuyết và mở ván đấu ra, thường xuyên chết lẻ khiến thời gian kéo dài một cách không cần thiết.

T1 thì khác. Họ không phải một đội quá mạnh ở đầu trận tại LCK, nhưng giai đoạn vòng bảng chứng kiến một T1 chủ động hơn, chuẩn bị tốt hơn cùng phong độ cao của Clid khiến họ “làm nóng người” khá ổn. Để rồi khi bước vào giữa trận, lối di chuyển thông minh, khả năng đọc bản đồ tốt của T1 được bộc lộ, và họ sẽ nắm bắt thời điểm để ép những pha giao tranh có lợi, từ đó lăn cầu tuyết kết thúc ván đấu. Tuy nhiên, không ít lần T1 phải trả giá vì quá cố gắng tấn công một cách thiếu tính toán và bị trừng phạt, tiêu biểu là pha băng trụ đường giữa với Fnatic ở lượt về, bị Broxah outplay bằng Đồng Hồ Ngưng Đọng, phải bỏ lại hai người. Đây có thể là cơ sở để Splyce hy vọng vào một giai đoạn giữa trận bớt “thảm họa” của mình.

Ngoài ra, T1 cũng cần lưu ý những lượt cấm chọn đầy thú vị, bất ngờ và không kém phần “quái dị” của Splyce. Nếu làm tốt, đội chủ nhà hoàn toàn có thể nắm lợi thế để triển khai thế trận theo hướng có lợi cho mình, qua đó phá nhà chính T1 ít nhất 1 lần. Chiến thắng chung cuộc trong cặp Best of 5 này có lẽ là thử thách khó vượt qua, nhưng nếu chỉ cần khiến cho T1 phải “toát mồ hôi” hay lộ bài sớm thì hoàn toàn nằm trong khả năng của Splyce.

Đã đến lúc “những người con xa xứ” thi đấu nghiêm túc

Từ “nghiêm túc” ở đây không có nghĩa là G2 Esports đánh “cợt nhả” ở vòng bảng, chỉ là dường như họ vẫn chưa tung ra hết những gì tinh túy nhất của mình. Wunder, Jankos hay Mikyx cũng không đạt phong độ cao. Tuy nhiên, khi đối thủ tiếp theo là Damwon Gaming, có lẽ đã đến lúc G2 lật ngửa những con át chủ bài của mình lên.

Trong hai trận thua trước Griffin, mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ rất áp đảo, nhưng thực chất đại diện Hàn Quốc không hề chiếm lĩnh thế trận, mà chỉ giăng bẫy chờ G2 phạm sai lầm khi tấn công quá hổ báo mà thôi. G2 là như vậy, họ luôn chủ động di chuyển, ép các pha giao tranh nhỏ lẻ từ sớm và giành lợi thế bằng khả năng giao tiếp, kêu gọi “năm người như một”. Chỉ cần nhìn thấy cơ hội mở ván đấu ra là họ sẽ làm với một sự tự tin rất lớn vào đồng đội và kỹ năng của từng thành viên.

Ảnh: Riot Games

Nhưng nói về sự tự tin thì Damwon có thừa. Canyon và ShowMaker đang có một điểm rơi phong độ cực kỳ cao. Họ cũng không còn chơi chậm ở đầu trận giống như vòng khởi động nữa. Hướng tấn công của Damwon khá linh hoạt trong từng trận đấu với sự cơ động và chính xác trong các tình huống ép giao tranh của Beryl, khiến cho điểm yếu ở vị trí Nuclear rất khó bị khai thác.

Sở trường của cả hai đội tuyển đều là các tình huống giao tranh ở đầu và giữa trận, vì vậy đây hứa hẹn sẽ là một cặp Best of 5 cực kỳ sôi động. Khả năng đi đường của Nuguri và ShowMaker nhỉnh hơn đôi chút so với đối thủ, nhưng G2 thường rất chủ động di chuyển từ sớm nên điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến chiến thuật của họ. Ở chiều ngược lại, nếu Canyon bắt lẻ được các thành viên G2 khi đảo đường giống như cách Tarzan đã làm, Damwon có thể thiết lập thế trận có lợi cho mình. Khâu cấm chọn giữa hai đội cũng khá thú vị, với việc cả Nuclear lẫn Perkz đều chơi tốt pháp sư đường dưới. Đội nào thể hiện được sự linh hoạt trong giai đoạn này tốt hơn sẽ nắm đôi chút lợi thế.

Bản lĩnh nhà đương kim vô địch

Chứng kiến những gì Invictus Gaming thể hiện ở LPL mùa hè 2019, không nhiều người nghĩ họ có thể góp mặt ở đây, còn nguyên cơ hội bảo vệ ngai vàng của mình như lúc này. JackeyLove đã chơi cực hay ở giải quốc nội, nhưng lại đang tỏ ra bất ổn tại CKTG. Baolan mờ nhạt, Leyan và Ning đều chưa thể hiện được gì nhiều, và chúng ta lại quay về với hình ảnh của IG một năm trước, khi Rookie và TheShy gồng gánh tất cả trên vai. Một IG thiếu ổn định nhưng vẫn tạo cho người ta cảm giác của một ứng cử viên vô địch.

Ảnh: Invictus Gaming

Phía bên kia chiến tuyến là một đội tuyển mà cả thế giới đều nghĩ rằng Best of 5 là điểm yếu của họ. Điều đó có thể đúng, có thể sai, nhưng sự thật là cả hai cặp Bo5 trong năm nay, Griffin đều chỉ bại dưới tay một đối thủ – SK Telecom T1. Vậy thì Griffin thực sự không thể chơi tốt trong một cuộc đấu trí dài hơi, hay chỉ là họ yếu hơn đương kim vô địch LCK? Dù thế nào đi nữa, họ cũng sẽ có cơ hội chứng minh bản thân tại vòng tứ kết sắp tới.

Trong những trận đấu vừa qua, Ning đang dần dần tìm lại phong độ của mình, và điều này thực sự quan trọng đối với IG trong bối cảnh Leyan tỏ ra quá non nớt. Anh cũng đã được xác nhận sẽ ra quân ở ván đấu tứ kết đầu tiên. Với ba chủ lực sở hữu kỹ năng cá nhân hàng đầu thế giới, IG thực sự là một đối thủ khó chịu. Tuy nhiên, một chút lợi thế khi đi đường liệu có đủ để thỏa lấp chênh lệch lớn ở khu vực rừng hay không, khi mà Tarzan hiện tại quá khủng khiếp. Anh và Lehends liên tục có mặt tại mọi điểm nóng trên bản đồ, trừng phạt mọi sai lầm trong trận đấu với G2. Cả ba thành viên còn lại của Griffin cũng đang chơi rất tốt, và không có vẻ gì là họ sẽ dễ dàng bị IG áp đảo khi đi đường.

Lợi thế dường như nghiêng một chút về phía đại diện Hàn Quốc, khi lối chơi của họ là khắc chế cứng những đội thường xuyên tấn công một cách thiếu tính toán và quá tự tin. Dù vậy, một khi Rookie và TheShy là chính mình, gần như không ai có thể đánh bại họ, và đó mới là sự đáng sợ của IG chứ không phải bất cứ chiến thuật nào.

Nạn nhân Trung Quốc tiếp theo của Fnatic?

Fnatic đã có một giai đoạn lượt về xuất sắc, đánh bại chính đối thủ trực tiếp Royal Never Give Up và lách qua khe cửa hẹp để chạm mặt một đội tuyển Trung Quốc khác. Chưa hết, họ có thể sẽ gặp nốt đại diện LPL còn lại ở bán kết. Một sự trùng hợp thú vị, đồng thời cũng là thử thách không hề dễ dàng với chủ nhà, dù họ tạm thời chưa phải đụng đội Hàn Quốc nào.

Ảnh: Riot Games

Rất nhiều người dự đoán FunPlus Phoenix sẽ hủy diệt cả bảng đấu sau khi họ kết thúc LPL mùa hè 2019 với chỉ bốn ván thua. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản, mà phần lớn nguyên nhân nằm ở sự thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế của cả năm thành viên. Chính điều này, cộng với tính chất khác nhau của bảng B và bảng C khiến cặp đấu tứ kết sắp tới trở nên khó đoán hơn rất nhiều.

Nguồn sức mạnh chính của cả hai đội đều là cặp đôi đi rừng – hỗ trợ. Khi nắm trong tay Elise, Lee Sin hay Gragas, Broxah có thể tác động lên ván đấu từ rất sớm, mang về lợi thế và khoảng trống để Hylissang phát huy sở trường đảo đường của mình. Trong khi đó, Tian lại có xu hướng hỗ trợ kiểm soát các đợt lính ở đường giữa, giải phóng Doinb để anh tự do di chuyển khắp bản đồ, lăn cầu tuyết sang hai đường cánh, thường là đường dưới để mở ra cơ hội cho Crisp. Những pha đảo đường của bộ ba Tian – Doinb – Crisp luôn cực kỳ nguy hiểm, và áp lực bắt kịp nhịp độ của họ sẽ đặt nặng lên vai Nemesis. Chỉ cần anh chậm hơn Doinb một bước thôi, Fnatic sẽ bị cuốn vào lối chơi của FPX và khó lòng chống cự. Cứu cánh tốt nhất cho đội chủ nhà khi đó, chỉ có thể là những tình huống tập trung và ép giao tranh một cách bất ngờ, khiến đối phương không kịp trở tay như cách họ đã làm trong trận cuối với Royal Never Give Up.

________________________

Vòng tứ kết của CKTG 2019 sẽ diễn ra trong hai ngày – 26, 27/10 tại Palacio Vistalegre, thành phố Madrid, Tây Ban Nha.

Tyra/One Esports