Trundle đang trở lại mạnh mẽ tại LCK trong những tuần gần đây và có được những thành tích hết sức ấn tượng. Với 6 lần xuất hiện chỉ sau 2 tuần thi đấu, gã Troll này đã thắng đến 5 trận. Trundle đang dần tìm lại vị trí trong meta tại một trong những giải đấu chuyên nghiệp khắc nghiệt nhất thế giới.

Vị trí đi rừng

Trundle được sử dụng trong vị trí đi rừng ở 4/6 trận đấu gã được xuất hiện, trong đó có 3 chiến thắng. Hãy cùng phân tích một số điểm mạnh, điểm yếu và tìm ra lý do vị tướng này được lựa chọn thay vì những con bài khác mạnh mẽ hơn.

Điểm yếu

Nhìn chung, Trundle đi rừng vẫn được đánh giá là yếu hơn so với những cái tên đang dẫn đầu meta hiện tại như Diana, Xin Zhao, Rumble, Nidalee hay Lee Sin. Một trong những yếu tố quyết định rất lớn đến sức mạnh của một tướng đi rừng ở thời điểm này là khả năng dọn dẹp quái vật. Sau liên tục những điều chỉnh của Riot Games đến khu rừng, những người đi rừng giờ đây sẽ có nhiều thời gian và được khuyến khích tận dụng thời gian đó để can thiệp sớm ra các đường nhiều hơn.

Đương nhiên, điểm yếu chết người của Trundle là bộ kỹ năng chỉ có khả năng gây sát thương đơn mục tiêu với cú cắn Nhai nuốt (Q), vì vậy tốc độ dọn quái của Trundle kém xa so với những người đồng nghiệp khác.

Do vậy, với Trundle trong đội hình, các làn đường sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ người đi rừng đối phương. Ngoài ra, việc cặp đôi xạ thủ hỗ trợ hoặc người đi đường trên trợ giúp trong bãi bùa đầu tiên gần như là bắt buộc nếu Trundle không muốn bị bỏ quá xa so với đồng nghiệp bên kia chiến tuyến.

Trundle đi rừng cần có những tình huống đột biến sớm để lấy lợi thế cho các làn đường
Credit: Twitch – LCK

Vì tốc độ đi rừng chậm hơn, Trundle thường phải gây đột biến sớm, thường là ngay khi đạt cấp 3 với những cú đặt Cọc băng (E). Nếu Trundle không có được những ảnh hưởng đột biến nhờ chất tướng từ sớm, sẽ rất dễ để đối phương triển khai và áp đặt lối chơi.

Điểm mạnh

Trundle có điểm yếu nhưng cũng có những điểm mạnh. Một trong những điều khiến Trundle trở lại trong meta hiện tại là sự xuất hiện của Găng xích thù hận. Với khả năng giảm đến 20% kháng hiệu ứng khi đạt cộng dồn tối đa, kẻ địch bị Trundle hút sức chống chịu bằng kỹ năng Chinh phục (R) mỏng như một tờ giấy.

Vua quỷ khổng lồ là một trong những vị tướng có khả năng solo sớm mạnh nhất trong Liên Minh Huyền Thoại. Với việc có thể kích hoạt Sẵn sàng tấn công gần như ngay lập tức bằng combo đánh thường – Nhai nuốt (Q) – đánh thường, Trundle thậm chí không ngại phải đối mặt với Lee Sin hay Xin Zhao từ trước cấp 6.

Trundle là một trong những khắc chế rất cứng của Xin Zhao
Credit: counterstats.net

Với khả năng solo mạnh mẽ như vậy, Trundle được coi là một trong những khắc chế rất cứng của cả Lee Sin lẫn Xin Zhao. Sau khi Xin Zhao xuất hiện và thể hiện quá tốt với combo Xin Zhao – Lulu, nhiều đội tuyển đã thường xuyên sử dụng Xin Zhao hơn ngay cả khi không có đường giữa thiên hướng hỗ trợ. Trong khi đó, với cú giảm sức mạnh nhắm vào Địa chấn/Dư chấn (E) của Lee Sin, gã thầy tu mù này đã quay trở lại vị trí đi rừng. Vì thế Trundle được đem đến một phần là để khắc chế lại Xin Zhao và Lee Sin, cũng như những tướng đi rừng mạnh mẽ trong giai đoạn đầu khác.

Thêm một điểm mạnh nữa của Trundle là bộ chiêu thức rất khó chịu của hắn ta. Chiêu Cọc băng (E) trứ danh nếu được sử dụng chính xác sẽ khó chịu hơn bất kì hiệu ứng khống chế nào dù phần lớn chỉ là làm chậm. Đôi khi 1 cú Cọc băng chí mạng sẽ khiến đối phương rơi vào tình thế còn tệ hơn cả trúng một cú choáng hay trói chân.

Pha dựng Cọc băng khiến Renekton rơi vào tình trạng còn tệ hơn cả một cú choáng hay trói chân
Credit: LCK

Chiêu cuối Chinh phục (R) cũng là một trong những công cụ mạnh mẽ trong giao tranh để làm mềm chống chịu đối phương. Không chỉ ảnh hưởng đến Trundle bằng cách gia tăng giáp, kháng phép và máu cho Trundle, Chinh phục còn đánh cắp, nghĩa là làm giảm giáp, kháng phép và máu của đối phương dựa trên lượng chống chịu tối đa mà chúng có. Chỉ một cú nhấn R, Trundle có thể khiến chống chịu đối phương từ một cỗ xe tăng trở thành một cọng bún theo đúng nghĩa đen.

Với meta như hiện tại, những điểm yếu của Trundle hoàn toàn có thể bị khỏa lấp bởi khả năng khắc chế với từng đối thủ nhất định và những lợi thế mà Vua quỷ đem lại trong giao tranh.



Những vị trí khác

Màn thử nghiệm Trundle đường giữa của ShowMaker

Trundle đường giữa trong tay ShowMaker trong ván 2 trận đấu giữa DK và DRX đã có chiến thắng cực kì thuyết phục. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện kèo đấu Trundle và Renekton, tuy nhiên ở đường giữa thì lại là chuyện khác.

Dù ở thời điểm hiện tại, phong độ của 2 đội tuyển đang là một trời một vực và lựa chọn Trundle đường giữa của ShowMaker mang tính chất thử nghiệm nhiều hơn, nhưng không thể phủ nhận người đi đường giữa của DK là quá hoàn hảo. Không ít lần Renekton của Jett bị nối cả Găng xích thù hận lẫn đặt Chinh phục lên đầu và trở nên quá mỏng manh trước mọi nguồn sát thương.

Rất nhiều lần Chinh phục của Trundle trong tay ShowMaker khiến Renekton đối phương trở nên cực kì mỏng
Credit: Onivia

Với những đội hình không có hoặc chỉ có 1 chống chịu duy nhất, Trundle trở nên cực kì mạnh mẽ và khiến những người chơi đỡ đòn của đối phương hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Với màn thể hiện cực kì tốt lần này, ShowMaker đã chứng minh nếu những Renekton, Sett hay Irelia có thể đem ra đường giữa thì con bài khắc chế của những vị tướng đó, Trundle, cũng có thể sử dụng cực kì hiệu quả ở đây.

Trundle hỗ trợ trở lại sau 1799 ngày

Gần 5 năm là khoảng thời gian gần nhất người hâm mộ nhìn thấy một con Trundle hỗ trợ trước khi Keria đem lựa chọn này trở lại ván 2 trận đấu giữa T1 và LSB.

Sự lựa chọn Trundle hỗ trợ trong trận đấu này của T1 lại đặc biệt mang tính chiến thuật rất cao. Sau khi bị cấm đi Leona trong cặp tướng Leona – Ziggs, T1 đã thay vị trí Leona bằng Trundle. Khả năng làm chậm của Vua quỷ khổng lồ phối hợp rất tốt với khả năng cấu rỉa bằng kỹ năng định hướng của Ziggs.

Màn thể hiện cực tốt của Keria với Trundle hỗ trợ
Credit: Onivia

Ngoài việc ngay khi được chọn, T1 sẽ khiến đối phương phải bối rối với khả năng đi được cả 3 làn đường đi rừng, đường giữa và hỗ trợ. Sau đó, với màn trình diễn cực kì hay của Keria, LSB tiếp tục phải bối rối với con bài Ziggs sau khi T1 đã dõng dạc nói rằng không chỉ Leona mới có thể đi được với Ziggs.

Sau đó, ngay game đấu thứ 3, thay vì cấm hỗ trợ trong cặp Leona – Ziggs, LSB đã phải dành lượt cấm cho một vị tướng ít tác động hơn nhiều là Ziggs và để hở ra Leona dành cho T1, đồng thời cũng buộc bản thân phải lấy Alistar để khắc chế. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là T1 đã không thể tận dụng được lợi thế đó và phải chịu thất bại.

Dù vậy, rõ ràng Trundle đã tác động rất nhiều đến chiến thuật cấm chọn của cả 2 đội. Một con Trundle có thể đi được ở mọi vị trí trừ xạ thủ thực sự đã khiến LSB có phần bối rối khi nó xuất hiện.

LSB đã phải cấm đi Ziggs và để hở Leona cho T1
Credit: Twitch – LCK

Với những khả năng và sức mạnh như đã phân tích, chắc chắn Trundle sẽ không chỉ là sự lựa chọn nhất thời trong một khoảng thời gian ngắn mà Vua quỷ khổng lồ đã thực sự trở lại meta. Trước LCK, LPL cũng đã làm rất tốt với vị tướng này. Vì vậy, rất nhiều khả năng người hâm mộ sẽ thấy nhiều hơn vị tướng Trundle trong phần còn lại của mùa giải.

XEM THÊM: Riot làm lại Sona: Chi tiết thông số trên máy chủ PBE và đánh giá kỹ năng