Những lá thăm may rủi đã đưa Fnatic đối đầu với Top Esports – ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch CKTG 2020. Dù từng tuyên bố đội tuyển nào cũng sẽ có điểm yếu, tuy nhiên đại diện của LEC sẽ phải gặp một “ngọn núi” thực sự mang tên TES. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, hạt giống số một của LPL cũng sẽ không được phép chủ quan.

Top Esports: DWG gọi, TES có trả lời?

Ngay trong trận đấu đầu tiên tại vòng tứ kết, DAMWON Gaming đã gửi một thông điệp gắt gỏng đến các đối thủ của mình. Không mất quá nhiều sức lực, đoàn quân của HLV Zefa đã đánh bại DragonX với tỷ số áp đảo 3-0. Đó đồng thời cũng là lời tuyên chiến gửi đến cho Top Esports ở nhánh còn lại.



So với LGD, Suning Gaming hay JD Gaming, TES chính là đội tuyển Trung Quốc đánh đúng với phong thái của một ông lớn nhất. Như thường lệ, HLV Crescent và các học trò vẫn duy trì lối chơi tấn công rực lửa. Đầu tàu trong cách triển khai của hạt giống số một LPL là người đi rừng Karsa.

Theo các thông kê từ GOL, tỷ lệ dẫn trước chỉ số lính so với đối thủ ở phút thứ 15 của Karsa lên tới 83.3%. Và nhìn những gì cựu sao Flash Wolves trình diễn ở vòng bảng, giới chuyên môn tin rằng anh đang “giấu bài”. Bởi lẽ, ngôi sao người Đài Loan chỉ dùng 3 vị tướng đó là Graves (4 trận) Nidalee (1 trận) và Gragas (1 trận).

TES được đánh giá nhỉnh hơn rất nhiều so với FNC (Credit: Riot Games)

Bên cạnh Karsa, Top Esports vẫn còn rất nhiều ngòi nổ khác và điển hình chính là đường giữa Knight. Không chỉ cho thấy kỹ năng cá nhân ấn tượng, ngôi sao sinh năm 2000 còn cho thấy sự đa dạng về bể tướng. Cứ mỗi trận ở vòng bảng anh lại mang ra một vị tướng khác nhau để phục vụ cho những chiến thuật khác nhau.

Có thể kể đến Orianna, Syndra, Lucian, Akali, Galio và đặc biệt là Nocturne ở trận gặp DragonX. Đó là phong cách làm nhiều người liên tưởng đến Doinb – tuyển thủ từng “làm mưa làm gió” ở CKTG 2019 trong màu áo FPX. Sự đa năng của Knight cũng là minh chứng cho sức mạnh của TES – rất khó lường.

Fnatic: Trông cậy vào Selfmade

CKTG 2018, Fnatic trình diễn bộ mặt hủy diệt với việc lọt vào tới trận chung kết trước khi thất thủ trước IG. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đó là thời điểm FNC còn nhiều ngòi nổ chất lượng trong đội hình. Ngoài Rekkles, đại diện của châu Âu còn sở hữu Caps và người đi rừng Broxah.

Tuy nhiên, xạ thủ người Thụy Điển đang tỏ ra đơn độc tại Fnatic. Tất cả đều đã không còn khoác áo đội tuyển, thay vào đó là những gương mặt mới đầy tiềm năng. Đích thân ngôi sao sinh năm 1998 thừa nhận, lối đánh của FNC giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào Selfmade – anh chàng đi rừng mới 20 tuổi.

Có một điều trùng hợp, tuyển thủ sinh năm 1999 cũng có 4 lần sử dụng Graves ở vòng bảng giống như Karsa, đồng thời đạt tỷ lệ thắng 50%. Ngoài ra, hai con bài khác Selfmade cũng thuần thục không kém là Evelynn cùng Hecarim. Rất có thể, FNC sẽ đánh xoay quanh cựu sao SK Gaming.

Gánh nặng đang đè lên vai Selfmade. (Credit: Riot Games)

Ngoài ra, FNC còn tỏ ra thua thiệt về nhiều mặt so với Top Esports. Ở khu vực đường giữa, Knight cho thấy mình nhỉnh hơn Nemesis về cả kỹ năng lẫn bể tướng. Trong khi đó, Rekkles cũng đã bước qua thời kỳ đỉnh cao. Trước mặt anh sẽ là một JackeyLove đang tràn đầy khí thế với phong độ ấn tượng.

Sẽ không thể nói trước được điều gì, nhất là sau khi các CĐV chứng kiến Suning Gaming “củ hành” JD Gaming ở trận tứ kết 2. Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện giữa Fnatic và Top Esports lại dễ đoán hơn khá nhiều. Khó khăn là thế, nhưng ắt hẳn HLV Mithy cùng các học trò cũng muốn cống hiến cho CĐV một trận đấu mãn nhãn.

XEM THÊM: LMHT: Vừa ra mắt trên PBE, Seraphine đã cho thấy độ ‘lỗi’ với tầm đánh xa không tưởng