APL 2020 đã di qua một phần của chặng đường và khu vực Việt Nam dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tìm kịp sở hữu 2 tấm vé lọt vào vòng trong: Saigon Phantom và Team Flash.

Tuy nhiên, nhìn lại thành tích cạnh tranh giữa các khu vực, AOG Việt Nam đang có sự thua sút so với RPL Thái Lan và GCS Đài Bắc Trung Hoa. Đây là hai trong số 3 khu vực mạnh nhất của Liên Quân Mobile thế giới với bề dày thành tích và lối chơi mang bản sắc riêng.

Cách biệt về trình độ quá lớn

Nếu Thái Lan rất mạnh trong việc gây sức ép và tạo đột biến thì “đặc sản” của Đài Bắc Trung Hoa là lối đánh kiểm soát rất triệt để. Và không chỉ một hai đội tuyển ở mỗi khu vực làm được điều đó mà luôn có ít nhất 4 đến 5 đội tuân thủ một cách chặt chẽ và bài bản, tạo nên bản sắc riêng cho cả khu vực.

Riêng khu vực AOG Việt Nam được đánh giá có lối chơi tương đồng với Thái Lan nhưng cách vận hành lại chưa đạt đến mức “thượng thừa”. Sự “thượng thừa” ấy sẽ giúp các đội tuyển tìm ra điều kiện thắng của mình cũng như cách để đưa nó đến đích một cách tối ưu nhất thay vì mắc những sai lầm cá nhân đáng tiếc.

Credit: Garena Liên Quân Mobile.

Đối với FL, khỏi phải nói về sự “già dơ” và khả năng xoay chuyển tình thế đã làm nên thương hiệu của họ ở mùa giải này. Ở Team Flash có đủ những nhân tố cho phép họ thực hiện nhiều chiến thuật và lối chơi khác nhau. Mặc dù những nhà đương kim vô địch Việt Nam thi đấu vòng bảng không quá tốt, nhưng không ai dám chắc họ đã đánh hết sức hay chưa.

Vì vậy, AOG gần như vẫn chỉ đang phụ thuộc vào FL bởi các đội còn lại chưa hình thành được một bản sắc quá rõ nét. Đội tuyển mạnh thứ hai là SGP vượt qua vòng bảng trong thế không có quyền tự quyết với một lối đánh tuy mạnh giao tranh những bị phụ thuộc nhiều vào các cá nhân. Nếu SGP không để Đồng V xuất quân giai đoạn lượt về, không biết SGP giờ đã đi về đâu.

Còn với PH và FTV, hai đội tuyển mạnh hạng 3 và 4 Việt Nam dường như không thể có được tiếng nói với những đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Credit: Garena Liên Quân Mobile.

Với FTV, đội tuyển này không thi đấu xuống tay như PH nhưng dấu ấn chiến thuật của họ lại không đậm nét. Những chàng trai như Khiên-G hay Ara thể hiện một tinh thần thi đấu cực kỳ tốt nhưng rất tiếc với một đội hình chưa gắn kết được bao lâu, họ chưa thể có được sự chắc chắn mà các fan hâm mộ mong chờ. Đa phần các trận đấu của FTV lựa chọn lối đánh xoay quanh Ara như ở ĐTDV Mùa Xuân nhưng có vẻ họ đang bế tắc trong việc nâng tầm lối đánh đó.

Đội hình của FTV hiện cũng rất đông với tất cả 10 thành viên, huấn luyện viên Ken từng nói sẽ chơi luân chuyển đội hình và chưa thể chọn ra một đội hình chính thức. Điều này khiến FTV không thực sự ổn định và ở thời điểm này sẽ khó tiến xa trong các giải đấu dài hơi như ĐTDV hay APL.

PH (trước kia là IGP) từng cán đích vị trí thứ 4 tại AIC 2019, với khả năng kiểm soát bản đồ rất tốt nhưng dường như họ không còn tái hiện được lối chơi đó nữa. Điểm sáng duy nhất của PH là Daim, người luôn gánh trọng trách gây sát thương nhưng chừng đó là không đủ đế vượt qua MAD, HKA và TLN, bởi kiểm soát vốn là thương hiệu mà chúng ta thậm chí phải học hỏi khu vực GCS rất nhiều.



AOG đang thiếu đi bản lĩnh của một khu vực lớn cùng một thế hệ tài năng mới

Môi trường chuyên nghiệp không chỉ yêu cầu sự tập trung, nghiêm túc mà cần có tâm lý thi đấu vững vàng. Về điểm này, các khu vực khác có những dấu hiệu nhỉnh hơn chúng ta bất kể họ yếu hay mạnh. Ở loạt trận cuối bảng A, DG Esports, đội tuyển vốn bị loại từ trước đã khiến SGP suýt ôm hận. Họ trừng phạt sự chủ quan của SGP bằng lối đánh “dị”, luôn tập trung và nghiêm túc dù chưa bao giờ được đánh giá cao.

Còn ở bảng B, người hâm mộ đặc biệt ấn tượng với Bazaar Gaming, đội tuyển gồm những nhân tố rất trẻ tuổi nhưng đã sớm thể hiện sự bản lĩnh và tinh thần thi đấu tập trung.

Nổi bật trong đội hình BZ có người đi đường tà thần, Markky, tuyển thủ năm nay mới 15 tuổi. Dù còn rất trẻ nhưng Markky đã sớm chọn cho mình lối đánh chắc chắn, không quá tham thể hiện bản thân và luôn chọn thời điểm tỏa sáng phù hợp nhất. Chính tài năng trẻ của Thái Lan cũng tự nhận thấy bản mình muốn lấy FL Gấu làm hình mẫu lý tưởng để học hỏi và lối chơi “già dơ” kia rõ ràng là không thể chối bỏ.

Markky coi Gấu là hình mẫu lý tưởng để phát triển bản thân một cách toàn diện (Credit: Garena Liên Quân Mobile).

Nhìn về phía các đại diện Việt Nam, tâm lý thi đấu vẫn luôn là vấn đề muôn thủa khó khắc phục. Như đã nhắc ở trên, đội hình FTV rất đông thành viên, họ luôn cần người thay thế giữa các ván đấu nhằm tránh tình trạng xuống tinh thần cũng như phần nào tạo điều kiện cho các thành viên mới làm quen.

Đây có thể coi như một động thái tốt nhưng cũng là sự chuẩn bị có phần muộn màng bởi APL dù sao cũng là một giải đấu lớn, nơi các đội tuyển đại diện cho cả khu vực của mình và cần tiếp cận nó với tinh thần cùng quyết tâm cao nhất.

Với PH, đội tuyển này có lẽ là cái tên gây thất vọng nhất với fan hâm mộ Liên Quân Việt Nam khi không có được một lối chơi hoàn thiện cũng như tinh thần thi đấu khưởi sắc. Họ mắc phải những sai lầm đáng tiếc và để nó lặp lại nhiều lần sau các loạt trận vòng bảng vừa qua.

Lời kết

Nói tóm lại, để tạo nên một khu vực mạnh, một mình Team Flash là chưa đủ bởi suy cho cùng, vinh quang lớn nhất vẫn chỉ dành cho họ chứ không thể đánh đồng tất cả. Những cá nhân xuất sắc là điều mà chúng ta không thiếu nhưng để phát huy và lôi được họ ra ánh sáng thì vẫn là một chặng đường cực kỳ gian nan.

Liên Quân Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản chuyên nghiệp hơn, đó là điều mà ai cũng có thể nhìn ra. Không chỉ tích cực học hỏi về chuyên môn, chúng ta cần tạo nên một hệ thống phát triển chuyên sâu nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho tuyển thủ.

Hy vọng các đội tuyển Liên Quân Việt NAm sẽ có được những bài học thực sự sau khi cọ sát với bạn bè trong khu vực và từ đó hoàn thiện mình hơn nữa, cả về mặt kỹ năng, chiến thuật lẫn tinh thần thi đấu để đưa Việt Nam trở thành một khu vực hàng đầu, đúng như tiềm lực mà chúng ta sở hữu.

XEM THÊM: Liên Quân Mobile: Thảm bại ở vòng thăng hạng ĐTDV, đội hình Mocha ZD Esports chính thức tan rã