Như chúng ta đều biết, chuyện người Việt làm game từ lâu vẫn luôn là ước ao cháy bỏng của nhiều con người sinh ra trên mảnh đất chữ S này. Tuy nhiên, từ mong ước tới hành động lại là những câu chuyện khác xa nhau hoàn toàn. Người ta cứ tưởng game do người Việt làm thì sẽ dễ được người Việt đón nhận nhưng sự thật lại không đơn giản như vậy.

Game Việt về lịch sử

Tạo hình Nguyễn Huệ độc đáo từ SHV. Ảnh: Gamize JSC

Sử Hộ Vương (SHV) có lẽ là cái tên gây tranh cãi nhất mấy ngày gần đây bởi những phá cách của họ với một game bài mang đề tài lịch sử. Tuy nhiên, Sử Hộ Vương không phải là cái tên duy nhất từng dùng đề tài này vào game.

Trước họ còn có những Thuận Thiên Kiếm hay 7554 cũng từng được chú ý rất nhiều. Điểm khác biệt duy nhất là những tựa game này nhận được đa số là lời khen, thay vì ném đá một cách không thương tiếc như những gì SHV đang vướng phải. Lý do lớn nhất chính là tạo hình nhân vật đang bị coi là lố bịch với chuẩn mực xưa.

7554 từng một thời gây tiếng vang. Ảnh: Hiker Games

Những biến đổi về mặt hình ảnh không còn lạ gì đối với dòng game về lịch sử. Điển hình như trong những Dynasty Warrior, Assasin’s Creed… Thậm chí táo bạo hơn như Fate/Grand Order, họ sẵn sàng thay đổi cả giới tính, bối cảnh của những nhân vật lịch sử. Tất cả để chiều lòng thị hiếu của khách hàng mục tiêu mà họ nhắm tới.

Việc thay hình đổi dạng của những Nguyễn Huệ hay Hồ Xuân Hương rõ ràng là có cơ sở đối với một đề tài mà khó ai kiểm chứng được như lịch sử. Tuy nhiên, cách họ tung ra sản phẩm tại một thị trường mà đa phần đều đề cao giá trị tinh thần rõ ràng là một nước đi có phần quá mạo hiểm hiện nay.

Và Lịch sử về game Việt

Hiện tượng Game Mobile một thời: Flappy Bird

Nhìn về game Việt nói chung, ngoài Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông từng nổi đình nổi đám thì thực sự chẳng có mấy ai dám tự hào về mặt doanh thu cả. Nói cách khác, game Việt dù làm tốt đến đâu, được khen thế nào nhưng làm sao để nhiều người thực sự tin dùng đến nó lại là một câu chuyện khác.

Thực ra, những tựa game như Flappy Bird hay Toy Odyssey (tới từ Hiker Game của Việt Nam) thành công vang dội lại tới chủ yếu từ thị trường nước ngoài, trước khi làn sóng đó được quay trở lại Việt Nam.

Cái tên 7554 từng được khen ngợi hết lời nhưng rút cuộc cũng không tránh khỏi cảnh “ế ẩm” với vỏn vẹn 2000 bản được bán ra tính cả pre-order trong ngày đầu tiên. Rõ ràng dù khen hay chê, thiên hạ cũng chẳng mảy may bỏ tiền ra mà chơi “game Việt”.

Tạo hình “thuần Việt” của Thuận Thiên Kiếm nhưng rồi cũng sớm lụi tàn trước sự soi mói của cộng đồng

Có thể thấy văn hóa vùi dập dường như đã ăn quá sâu vào đại đa số những người hay tự nhận là yêu game hiện nay. Flappy Bird từng khốn khổ khi bị soi mói, rồi đến cả tựa game “được khen” như 7554 cũng bị coi là nhái Call of Duty. Còn phải kể đến Thuận Thiên Kiếm với những hình ảnh được Việt hóa tương đối xuất sắc nhưng rồi cũng không thoát khỏi cảnh bị coi chỉ là vay mượn từ game Tàu.

Vấn đề thực sự nằm ở đâu

Quay lại với Sử Hộ Vương, thiết nghĩ việc khen hay chê cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều bởi trên thực tế, khán giả hiện nay chỉ ưa tranh luận trên mạng. Khen chê không phải vấn đề mà vấn đề sống còn là họ có chơi hay không.

Nếu nhìn một cách khách quan, những người kêu gào ủng hộ game Việt, thậm chí cả những game “100% Việt” đi chăng nữa – một điều vốn dĩ quá phức tạp để xác định và cũng thực sự không ảnh hưởng nhiều, thì làm sao để họ xuống tiền quan trọng hơn là việc làm sao để được khen gấp nhiều lần.

Một tựa game hay không cần phải phản ánh 100% về lịch sử nhưng nếu đã tự gắn sứ mệnh đó cho mình, xem như các nhà phát hành đã tự buộc đá cho đứa con tinh thần của mình rồi quẳng nó giữa một biển trùng của sự soi mói.