Sau khoảng nửa năm chờ đợi kể từ trailer gần nhất nhân dịp Tết Nguyên Đán hồi đầu năm, bom tấn Black Myth: Wukong đã có thêm một đoạn gameplay cực kì ấn tượng. Đoạn gameplay của Black Myth: Wukong được xây dựng bằng công cụ làm game tân tiến nhất thời điểm hiện tại, Unreal Engine 5, đem đến những khung cảnh hoành tráng và chân thật.

Đoạn gameplay của Black Myth: Wukong khiến tuổi thơ của bao game thủ ùa về với hình ảnh Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không, những yêu quái và vô số trận chiến kinh thiên động địa. Trong đoạn gameplay, người xem cũng nhận ra rất nhiều điều quen thuộc được lấy cảm hứng từ Tây Du Ký. Ngay cả âm nhạc cuối trailer gameplay cũng khiến cộng đồng phải trầm trồ khi là bản làm lại cực kỳ hay và nhiều cảm xúc của đoạn nhạc phim quen thuộc của bộ phim đã ra mắt từ 1986.

Đoạn gameplay được dựng bằng Unreal Engine 5 cực hoành tráng của Black Myth: Wukong

Nhân vật chính trong game không phải Ngộ Không

Dù lấy cảm hứng từ Tây Du Ký, nhưng qua đoạn thoại đầu trailer, ta có thể đoán được nhân vật chính trong Black Myth: Wukong không phải là Tôn Ngộ Không, mà là một Hầu vương khác bước theo con đường của Tề Thiên Đại Thánh nhằm trau dồi thêm những kỹ năng của bản thân hoặc hoàn thành nốt những gì Ngộ Không đã không làm được.

Đây cũng chính là lý do chúng ta không thấy (hoặc chưa thấy) những nhân vật khác như Bát Giới, Sa Tăng trong nguyên tác Tây Du Ký, nhiều yêu quái dù quen thuộc nhưng cũng có hình dạng khác, đồng thời nhân vật trong game không có đầy đủ mọi phép biến hóa như Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không.

Dù giống, nhưng có vẻ nhân vật trong game không phải Tôn Ngộ Không
Credit: ONEEsports

Dùng phân thân để tránh đòn, cơ chế ám sát lén lút và nhiều yếu tố của những tựa game đi trước

Giống nhiều tựa game hành động nhập vai đi trước như Ghost of Tsushima, Assassin’s Creed, cơ chế né đòn, ám sát, hồi máu và kỹ năng được học hỏi để đem lại những trải nghiệm thuận tiện và dễ dàng làm quen nhất.

Với cơ chế né đòn, nhân vật sẽ để lại một hư ảnh phía sau và né toàn bộ lượng sát thương nếu bấm chiêu chính xác. Ngộ Không trong nguyên tác Tây Du Ký có 1 trong 72 phép biến hóa tên là Thi Giải, giúp Mỹ Hầu Vương thoát khỏi kẻ thù mạnh. Chưa rõ trong Black Myth: Wukong, thuật phân thân còn áp dụng trong những cơ chế khác không nhưng chắc chắn đây đã là một điểm cộng nhỏ cho tựa game khi đưa được chi tiết quen thuộc này vào.

Để lại 1 hư ảnh phía sau khi tránh đòn
Credit: ONEEsports

Trong đoạn video, ta có thể thấy nhân vật tấn công kẻ địch từ phía sau và đẩy hắn bay khỏi vách đá. Như vậy ta hoàn toàn có thể hiểu được trong game sẽ có cơ chế lén lút và ám sát. Tôn Ngộ Không cũng là bậc thầy trong khả năng lén lút áp sát kẻ địch nhờ kỹ năng tàng hình hay biến hóa thành những đồ vật, con vật khác. Liệu sẽ có lối chơi riêng dành cho những game thủ đam mê tận hưởng cảm giác hạ gục kẻ địch trong khi chúng không hay biết?

Cơ chế lén lút và ám sát xuất hiện trong Black Myth: Wukong
Credit: Screenshot by ONEEsports

Cơ chế hồi máu trong Black Myth: Wukong cũng rất đơn giản. Khả năng hồi phục được tích trong 1 bình rượu hồ lô, tiêu thụ nó và nhân vật được hồi máu. Ngoài ra, thanh trạng thái nhân vật cũng chia làm 3 phần vô cùng dễ hiểu: thanh máu, thanh mana để dùng năng lượng và thanh thể lực để tăng tốc, nhào lộn né đòn.

Một số phép thuật khác lấy cảm hứng từ Tây Du Kí

Phép đầu tiên vô cùng quen thuộc là phép mà nhân vật đã dùng trước khi dùng hồi máu: vẽ 1 vòng tròn, miễn nhiễm và đẩy lùi mọi tấn công từ yêu quái bên ngoài. Đây là phép Bố Trận, thứ đã được Ngộ Không trong tác phẩm Tây Du Ký sử dụng để bảo vệ sư phụ của mình, Đường Tăng khi ra ngoài thám thính.

Vòng tròn phép Bố Trận có tác dụng ngăn yêu ma quỷ quái từ bên ngoài xâm nhập
Credit: ONEEsports

Kế đến là cây Gậy Như Ý nổi tiếng với khả năng phóng to thu nhỏ tùy thích. Đây là vũ khí chính của nhân vật và có vẻ như trong Black Myth: Wukong, có khá nhiều kỹ năng phụ thuộc vào khả năng này.

Ngoài ra, khi mới vào đoạn video, ta có thể thấy nhiều kẻ địch bị đóng băng, trong khi dường như giá lạnh và tuyết không có ảnh hưởng gì tới nhân vật. Điều này có thể được lý giải bằng phép Ngoạ Tuyết mà Tôn Ngộ Không sở hữu trong nguyên tác Tây Du Ký.



Hệ thống boss đa dạng

Rất nhiều những con boss đã được xuất hiện trong đoạn gameplay của Black Myth: Wukong. Nhiều trong số đó là mới, nhưng cũng không ít những hình ảnh đã quen thuộc với bất kì ai yêu quý Tây Du Ký.

Con gấu lớn màu đen có thể được lấy cảm hứng từ Hắc Hùng Tinh, yêu quái đã lấy trộm áo cà sa của Đường Tăng. Ngoài ra, còn có thể nhận ra con Sư Tử lớn vung đại đao rất giống Sư Đà Lĩnh, thú cưỡi của Văn Thù Bồ Tát. Người trông giống Phật tổ ở gần cuối video cũng có thể thấy vô cùng khớp với Hoàng Mi Lão Phật, tiểu đồng hầu Phật Di Lặc, từng lập đền thờ, giả Phật, lừa thầy trò Đường Tăng vào bái lạy để bắt giữ.

Nhiều yêu quái trong Black Myth: Wukong được lấy cảm hứng từ Tây Du Ký
Credit: ONEEsports

Black Myth: Wukong cũng có rất nhiều yếu tố Đạo giáo và Phật giáo. Ví dụ như bức tượng mà nhân vật nhảy ra chính là tượng thờ sao Chủy, 1 trong 28 chòm sao của Đạo giáo. Những vị thần phật trong game cũng đã vô cùng quen thuộc trong văn hóa và tín ngưỡng của các dân tộc châu Á chịu ảnh hưởng bởi Trung Hoa và Ấn Độ.

Black Myth: Wukong chắc chắn sẽ là một bom tấn lớn được mong chờ rất nhiều trong thời gian sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh gần đây, thị trường làm game Trung Quốc cho ra mắt rất ít sản phẩm chất lượng. Một thông tin cũng đặc biệt gây hưng phấn cho game thủ, đó là nhiều khả năng đây mới chỉ là 1 trong 3 phần của Black Myth. Nếu tựa Black Myth: Wukong thành công, sẽ có thêm những phần Black Myth khác cũng về những nhân vật thần thoại khác trong văn hóa Trung Hoa. Bom tấn Black Myth: Wukong dự kiến sẽ được ra mắt trong năm 2023.

XEM THÊM: Sách giáo khoa Esports được ra mắt tại Hàn Quốc