Ở tuổi 15, Hoa “Anakin” Luu cùng cha của mình đã có chuyến hành trình 700 dặm từ quê nhà Atlanta để đến với thành phố bãi biển Miami để tham dự Guard Your Grill, giải đấu Tekken với giải thưởng vỏn vẹn 1000 đô la giành cho người thắng cuộc.

Cũng trong cùng năm đó, cả hai cũng đã thực hiện một chuyến đi dài tương tự như vậy trên bờ biển nước Mỹ từ Atlanta tới Houston.



Anh chàng này đã phải cố gắng cân bằng giữa việc học hành, làm bán thời gian cho UPS và duy trì đam mê với bộ môn Tekken của mình. Việc tham gia vào những giải đấu do Bandai Namco tổ chức đã giúp Anakin có được cơ hội du ngoạn khắp miền Đông Nam Hoa Kỳ.

Khi cha mẹ anh chàng không thể đồng hành cùng con trai trên mọi nẻo đường thì Anakin buộc phải sử dụng số tiền tiết kiệm của mình để có thể tiếp tục hành trình. Dù đã gặt hái được không ít danh hiệu nhưng khoản tiền mà anh chàng này nhận lại được không hề thấm tháp vào đâu so với những chi phí phải bỏ ra trong mỗi cuộc hành trình của mình. Đến tận thời điểm đó, Anakin vẫn chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là một công việc bán thời gian nhằm thỏa mãn cho đam mê của mình.

Đỉnh cao đầy gian truân

Bước ngoặt xảy ra khi Red Bull chính thức nhảy vào tài trợ cho Anakin 2 năm trước, anh chàng này đã có một quyết định vô cùng quan trọng đó là chuyển hẳn niềm đam mê với Tekken thành một công việc toàn thời gian.

Chính sự biến chuyển này đã giúp người chơi Tekken hàng đầu ở Mỹ như Anakin được đài thọ toàn bộ chi phí đi lại và thi đấu ở các vùng lãnh thổ xa xôi hơn như Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy vậy, nhưng người may mắn có được thành công được như Anakin lại chỉ đếm trên đầu ngón tay

Credit: Anakin/Red Bull

Giải đấu Evolution là một trong những sự kiện đối kháng rất có uy tín và quy tụ rất nhiều những đối thủ mạnh. Dù Anakin đã xuất sắc kiếm được 2,649 đô la khi đứng thứ 3 chung cuộc nhưng rõ ràng số tiền này là không đủ để tạo ra một cuộc sống hoàn toàn ổn định cho anh.

Trong quá khứ, Arslan “Arslan Ash” – người đã từng xuất sắc giành ngôi vô địch giải Tekken thế giới với phần thưởng 14,000 đô la Mỹ nhưng con số này còn quá khiêm tốn khi nhìn sang giải thưởng 30 triệu đô la ở kỳ World Cup Fortnite vừa qua.

Chưa dừng lại ở đó, giải đấu TI9 của Dota 2 dù diễn ra 1 tuần sau Evolution nhưng có tổng giải thưởng lên tới 33 triệu đô la. Điều này phản ảnh rõ tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng khi đặt những bộ môn đối kháng lên so sánh với những bộ môn Esports khác, tương tự như giữa bóng đá nữ và bóng đá nam vậy.

Không chỉ dừng lại ở đó, một số tuyển thủ tham dự giải đấu Evolution thậm chí chỉ giành được 100 đô la tiền thưởng dù lọt vào top 8 chung cuộc. Minh chứng rõ nhất là Andy “Rikir” La, tuyển thủ đã xuất sắc cán đích ở vị trí thứ 5 trong giải đấu Under Night In-Birth chỉ giành được khoản tiền thưởng trị giá hơn 270 đô la, con số này còn không đủ để anh chàng này tìm một chuyến bay từ Las Vegas về quê nhà của mình là Waterloo, Ontario, Canada.

Trung bình mỗi một chuyến bay từ Toronto đến các sự kiện Tekken ở bờ biển phía đông Hoa Kỳ tốn khoảng 400-500 USD (khoảng 12 triệu VNĐ) và đây là con số khó lòng đáp ứng được đối với một sinh viên như Rikir.

Tuy vậy, bản thân game thủ này vẫn sẽ xác định theo đuổi đam mê với Tekken tới cùng dù biết những đam mê ấy chẳng thể nào giúp anh giải quyết được bài toán chi phí sinh hoạt trước mắt.

Một ví dụ tiêu biểu khác có thể kể đến là Armando “Angelic” Mejia, anh chàng này dù là một cái tên rất nổi trong giới Ultimate Marvel vs Capcom 3 nhưng gần như không biết đến mùi thi đấu quốc tế trước khi được Misfits Gaming thâu nạp vào năm 2016.

Điều đó như một sự tái sinh cho game thủ này khi anh chàng được đài thọ toàn bộ chi phí để đi thi đấu ở khắp nơi cũng như mọi chi phí sinh hoạt mà không mất một đồng chi phí nào.

Chẳng có gì là chắc chắn

Ít ai biết được rằng Angelic vẫn bắt buộc phải duy trì công việc một nhân viên văn phòng của mình khi tiền lương thưởng từ các giải đấu game đối kháng là không đủ để có thể toàn tâm toàn ý giành trọn tâm huyết với bộ môn mình yêu thích.

Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch quá đỗi mênh mông này đến từ việc phần lớn các giải đấu game đối kháng vẫn đang được vận hành theo cơ chế cũ, nơi mà các nhóm giải sẽ được xác định thông qua số lượng người chơi đăng ký tham dự.

Một phần phí đăng ký của mỗi tuyển thủ sẽ được chuyển đổi thành giải thưởng giành cho người vô địch trong khi số còn lại sẽ thuộc về ban tổ chức. Trong bối cảnh các tựa game đối kháng không hề nhận được nhiều sự quan tâm đến từ những nhãn hàng tài trợ và các đơn vị tổ chức sự kiến lớn, tổ chức giải đấu đối kháng theo cơ chế cũ chính là cách duy nhất họ có thể làm để duy trì sự hiện diện của các dòng game đối kháng trên thị trường.

Thêm vào đó, hầu hết các sự kiện game đối kháng lớn thường ít khi được tổ chức trong những nhà thi đấu lớn và điều này sẽ gây cản trở trong quá trình phổ cập trò chơi với đại chúng.

Một trong những giải đấu đối kháng tầm cỡ như ECT năm nay cũng chỉ được tổ chức tại phòng họp của một khách sạn tầm tầm như Hilton Stamford mà thôi. Thậm chí ở những giải đấu nhỏ, ban tổ chức thường phải bán thêm các vật dụng đi kem như suất ăn, quà lưu niệm… nhằm tăng quỹ giải thưởng cũng như bổ sung chi phí hoạt động cho tổ chức.

Rủi ro từ chính cộng đồng

Dù chỉ có được số lượng người chơi không quá đông đảo, cộng đồng thi đấu game đối kháng (FGC) lai bị phân chia ra rất nhiều các cộng đồng nhỏ khác nhau và mỗi đơn vị đó đều cố gắng đăng cai một giải đấu cho riêng họ bất chấp sự thiếu hụt ở rất nhiều khâu.

Không những vậy, nạn tham nhũng đôi khi vẫn xuất hiện trong các giải đấu nhỏ này khiến các phong trào giải đấu đối kháng quy mô nhỏ mọc lên như nấm nhưng tồn tại rất nhiều vấn đề tiêu cực tài chính phía sau hậu trường..

“Sự thật đắng lòng trong giới FGC: Sau giải đấu, tất cả mọi người ra McDonald để “bế mạc” nhưng chi phí ăn uống phải tự lo. Vì không có tiền nên tôi không thể mua được gì cả. Thật may mắn khi được một đối thủ không hề quen biết trước đó mua cho tôi 1 suất ăn. Dù chỉ 4 đô la thôi nhưng nó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Cảm ơn anh bạn!”game thủ Dragon Ball Fighter Z Yohosie chia sẻ đầy cay đắng về những lần tham gia thi đấu cùng cộng đồng FGC.

Sự phân hóa rõ rệt giữa các tựa game đối kháng với phần còn lại của nền công nghiệp Esports là điều đã được rất nhiều chuyên gia nhìn ra nhưng để có thể thay đổi được tiềm năng phát triển của những bộ môn này không phải là điều sẽ diễn ra trong một sớm một chiều.

Bên cạnh việc cần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn từ phía các nhà phát hành, bản thân những người tham gia vào quá trình tổ chức giải cũng cần xây dựng nên một ủy ban duy nhất nhằm thống nhất những cộng đồng nhỏ lại với nhau. Điều này sẽ giúp các nhà tài trợ dễ dàng tiếp cận hơn khi chỉ cần phải đàm phán với một tổ chức chính thống duy nhất thay vì mạo hiểm rót tiền vào các quỹ giải đấu mang tính tự phát.

XEM THÊM: Tencent bắt tay cùng Capcom cho ra siêu phẩm Street Fighter hoàn toàn mới trên nền tảng di động